Qua bài viết “Cách chăm sóc cây cà phê vào mùa khô” thì có rất nhiều đọc giả hỏi về cách quản lý dinh dưỡng. Cho nên Hợp tác xã Cây Giống Tây Nguyên sẽ cập nhật thêm một bài viết chuyên sâu hơn cho cây cà phê.
Cây cà phê là một trong những loại cây trồng chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là tại vùng Tây Nguyên. Việc quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê một cách hợp lý và khoa học không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn duy trì sự phát triển bền vững của cây qua nhiều năm. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách bón phân cho cây cà phê theo từng giai đoạn.
1. Bón phân hữu cơ kết hợp phân hóa học
Phân hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê. Phân hữu cơ không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết mà còn cải tạo đất, giúp đất thông thoáng và giữ ẩm tốt hơn. Một số loại phân hữu cơ thường dùng bao gồm:
- Phân chuồng: cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất.
- Phân xanh, phân rác và vỏ cà phê: các nguồn hữu cơ sẵn có và dễ sử dụng.
Kết hợp với phân hữu cơ, bà con nên bón phân hóa học để cây cà phê nhận đầy đủ các yếu tố đa lượng (N, P, K). Phân hóa học giúp cây phát triển nhanh và cho năng suất cao hơn.
2. Bón cân đối NPK và bổ sung trung vi lượng
Cây cà phê cần ba yếu tố đa lượng chính là đạm (N), lân (P) và kali (K). Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cây, tỷ lệ các thành phần này sẽ thay đổi:
Giai đoạn kiến thiết cơ bản (0-3 năm đầu)
Ở giai đoạn này, cây cần đạm và lân cao để phát triển hệ rễ và thân lá. Một số loại phân NPK phù hợp cho giai đoạn này là:
- NPK 16-16-8 hoặc NPK 20-20-15: sử dụng trong mùa mưa.
- NPK 20-5-6: bón vào mùa khô.
Giai đoạn kinh doanh (cây đã cho quả)
Khi cây bắt đầu cho quả, nhu cầu kali tăng lên do kali giúp phát triển hạt và nhân cà phê. Tỷ lệ đạm và kali nên cao hơn lân:
- NPK 16-8-16 hoặc NPK 25-10-20: phù hợp cho mùa mưa.
- NPK 20-5-6: sử dụng vào mùa khô.
Ngoài các yếu tố đa lượng, cây cà phê còn cần được bổ sung các yếu tố trung vi lượng như canxi, magiê, lưu huỳnh, kẽm, đồng và bo. Việc thiếu các chất trung vi lượng sẽ dẫn đến hiện tượng lá cà phê vàng, biến dạng, thậm chí ảnh hưởng đến năng suất.
3. Sử dụng phân bón lá
Phân bón lá giúp cung cấp dưỡng chất trực tiếp qua lá, mang lại hiệu quả nhanh chóng và giảm bớt lượng phân bón qua đất. Các lợi ích của phân bón lá bao gồm:
- Tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây.
- Giảm tỷ lệ rụng quả, từ đó nâng cao năng suất.
- Bón phân qua lá vào mùa mưa giúp cây cà phê phát triển đều đặn.
Đối với cây cà phê, bà con nên phun phân bón lá từ 2-3 lần trong mùa mưa khi cây đủ ẩm để đạt hiệu quả cao nhất.
4. Cách bón phân qua từng mùa
Mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10)
Trong mùa mưa, cây cà phê cần được bón phân nhiều hơn vì đây là thời gian cây sinh trưởng mạnh. Bón phân NPK cân đối kết hợp với phân hữu cơ sẽ giúp cây phát triển thân lá và chuẩn bị cho giai đoạn ra hoa.
Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 3)
Mùa khô là thời gian cây nghỉ ngơi và chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Bón phân NPK tan nhanh sẽ giúp cây hồi phục sau mùa thu hoạch, đồng thời duy trì sức sống cho cây trong điều kiện thiếu nước.
5. Lưu ý khi bón phân cho cây cà phê
- Chọn đúng thời điểm bón phân: Bà con nên bón phân vào lúc đất còn ẩm, đặc biệt sau khi tưới hoặc sau các trận mưa lớn.
- Phân bón lá: Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế mất nước do nắng gắt.
- Phân hữu cơ: Cần được bón định kỳ mỗi năm một lần để duy trì độ phì của đất và tăng hiệu quả của phân hóa học.